Đẩy mạnh hỗ trợ nghiên cứu phát triển và ứng dụng vật liệu xây dựng mới thân thiện môi trường
Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị Vật liệu xây dựng toàn quốc 2017. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Khánh, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, các Hội, Hiệp hội chuyên ngành Xây dựng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng (VLXD).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh: Lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) ở nước ta thời gian qua đã có sự thay đổi rõ rệt, công nghệ ngày càng hiện đại, từng bước hòa nhập với trình độ chung của khu vực và thế giới. Một số doanh nghiệp có trình độ sản xuất tiên tiến, có uy tín trên thị trường. Trong giai đoạn trước năm 2010, nhiều sản phẩm VLXD chủ lực của Việt Nam như: Xi măng, kính xây dựng, gạch ốp lát… chủ yếu còn nhập khẩu từ nước ngoài, song giai đoạn từ năm 2010 đến nay, ngành VLXD nước ta đã phát triển không ngừng và từng bước nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Các loại vật liệu xây dựng chủ yếu như xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng đã được đầu tư mở rộng sản xuất với các dây chuyền thiết bị đồng bộ, hiện đại của các nước phát triển, có chất lượng tốt, mẫu mã, chủng loại phong phú, đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong nước và một phần cho xuất khẩu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã nêu ra một số hạn chế, thách thức của ngành VLXD như: trình độ công nghệ, thiết bị chung của toàn ngành chuyển biến chậm; hiệu quả sử dụng tài nguyên của một số sản phẩm chưa cao; việc triển khai một số vật liệu mới, vật liệu thay thế các VLXD truyền thống như cát, gạch nung, vật liệu xây dựng sử dụng phụ phẩm của các ngành công nghiệp khác, VLXD tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường còn có những vướng mắc…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà mong muốn các Bộ, Ban ngành trung ương, các địa phương, các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Xây dựng để triển khai thành công công cuộc phát triển kinh tế đất nước, phát triển ngành xây dựng và lĩnh vực vật liệu xây dựng, đặc biệt là một số nhiệm vụ trọng điểm như: “Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và Đề án đẩy mạnh sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón, hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng”.
Đại diện cho Bộ KH&CN trình bày tham luận tại Hội nghị, TS. Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế – kỹ thuật đã báo cáo tình hình triển khai và kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển vật liệu xây dựng, cụ thể như:
Thông qua các hoạt động KH&CN, công nghệ vật liệu trong ngành xây dựng đã có bước phát triển nhanh chóng, một số tập đoàn, tổng công ty trong ngành xây dựng đã nắm bắt làm chủ các công nghệ tiên tiến như Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Lilama, Tổng công ty Coma luôn là những ví dụ tương đối điển hình về ứng dụng tiếp cận KH&CN trong sản xuất kinh doanh. Các tập đoàn đã và đang được Bộ KH&CN và Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ KH&CN quy mô lớn như: Tổng công ty như Lilama nội địa hóa nhà máy nhiệt điện, Tổng công ty Viglacera sản xuất về vật liệu xây dựng, trong đó có thiết kế, chế tạo dây chuyền sản xuất gạch bê tông khí chưng áp, Tổng công ty Coma chế tạo và lắp đặt các thiết bị phi tiêu chuẩn cho các nhà máy nhiệt điện Phả Lại 2, nhiệt điện Phú Mỹ, nhiệt điện Vũng Áng, nhiệt điện Nghi Sơn… thi công chế tạo các thiết bị trong nước cho các dây chuyền thiết bị đồng bộ cho Nhà máy xi măng; Công ty DAP Đình Vũ được hỗ trợ nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, thiết kế chế tạo dây chuyền xử lý phosphogypsum làm phụ gia cho xi măng và làm nguyên liệu để sản xuất tấm thạch cao xây dựng. Đây là dây chuyền thiết bị ở quy mô công nghiệp (750.000 tấn/năm) đầu tiên của Việt Nam trong xử lý bã thải Gyps làm nguyên vật liệu trong xây dựng.
Bên cạnh đó, một trong những đóng góp quan trọng của Bộ KH&CN đối với Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) đến năm 2020 theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chín phủ là kết quả thực hiện Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ từ nguồn vốn của Quỹ Môi trường Toàn Cầu (GEF), được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ KH&CN là Cơ quan chủ quản, Bộ Xây dựng là Cơ quan đồng thực hiện.
Với sự hỗ trợ, tham gia đề xuất của Dự án, Bộ Xây dựng đã đánh giá và đề xuất khuôn khổ chính sách bổ sung hoàn thiện nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung, trong đó đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung 14 văn bản quy phạm pháp luật cấp, trong đó có 02 Nghị định, 01 Thông tư hướng dẫn và 11 Quyết định của UBND cấp tỉnh/thành phố; 03 TCVN về gạch bê tông khí chưng áp và gạch nhẹ cũng đã được sửa đổi, ban hành;
Bộ KH&CN đã chủ trì tổ chức xây dựng và thực hiện Chương trình đào tạo, phổ biến kiến thức cho các đối tượng liên quan với trên 1.400 học viên của 50/63 tỉnh/thành phố tham dự; hỗ trợ 03 dự án trình diễn công nghệ sản xuất và đã thực hiện nhân rộng 10 dự án trên cả nước; thực hiện 15 cuộc hội thảo trên phạm vi toàn quốc nhằm quảng bá công nghệ sản xuất và hướng dẫn sử dụng vật liệu xây không nung với sự tham gia khoảng 1.500 đại biểu; đồng thời đã tổ chức nhiều hình thức kết nối cung cầu giữa các nhà đầu tư sản xuất với các nhà sản xuất, cung cấp thiết bị uy tín trong nước và ngoài nước.
Kết quả triển khai của Dự án Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam được đánh giá đã có những đóng góp quan trọng trong việc góp phần phổ biến công nghệ, tăng cường kiến thức và nhận thức để việc sản xuất cũng như sử dụng vật liệu xây không nung trở nên phổ biến.
Một số mặt tích cực của Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 là các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân cũng đã tích cực chủ động hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, chủ động tìm hiểu công nghệ, đầu tư sản xuất, cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm VLXKN đạt chất lượng, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm VLXKN. Đến hết năm 2016, tổng công suất thiết kế các dây chuyền sản xuất VLXKN đã đạt khoảng 7 tỷ viên quy tiêu chuẩn (QTC)/năm, sản xuất đạt 6,5 tỷ viên, chiếm khoảng 28% so với tổng sản lượng vật liệu xây năm 2016 ước khoảng 24 tỷ viên.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương những kết quả quan trọng mà ngành VLXD đã đạt được trong những năm qua, trên tất cả các mặt, từ hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác quản lý nhà nước đến đầu tư, nghiên cứu phát triển. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu trong thời gian tới, các các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, doanh nghiệp cần phối hợp tốt hơn nữa để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về VLXD. Đầu tư sản xuất các loại VLXD thân thiện với môi trường, lựa chọn tìm vật liệu thay thế vật liệu truyền thống. VLXD phải phát triển đáp ứng được nhu cầu cho ngành xây dựng trong nước, hướng tới xuất khẩu. Đồng thời, từng bước đổi mới công nghệ sản xuất, tiết kiệm năng lượng, đẩy mạnh sử dụng vật liệu không nung thay thế vật liệu nung. Nhanh chóng nghiên cứu và sử dụng chất thải của các nhà máy để sản xuất VLXD.
Trong phần kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ KH&CN cần kiểm soát các công nghệ đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu, triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển vật liệu mới thân thiện môi trường trong đó có vật liệu xây không nung; tổ chức thẩm định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao để làm VLXD và công bố tiêu chuẩn quốc gia theo quy định.
(Theo https://www.most.gov.vn)