• :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh truyền thông, đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống

     Khoa học công nghệ (KH-CN) được Đảng và Nhà nước xác định là “quốc sách hàng ...

     Khoa học công nghệ (KH-CN) được Đảng và Nhà nước xác định là “quốc sách hàng đầu” trong chiến lược phát triển của nước ta. Hoạt động truyền thông KH-CN vì vậy cũng được quan tâm và chú trọng đầu tư, là một trong những giải pháp chủ yếu để thực hiện Chiến lược phát triển KH-CN Việt Nam trong thời gian tới.

Đại diện Hội Nông dân thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) tham quan mô hình trồng cà gai leo tại huyện Tuy An

       Đẩy mạnh truyền thông

     Thực hiện chủ trương trên của Đảng và Nhà nước, Sở KH-CN Phú Yên đã không ngừng tăng cường đầu tư cho hoạt động truyền thông KH-CN, đa dạng hóa các hình thức truyền thông với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng thông tin, tạo sự lan tỏa trong xã hội.

     Theo ông Lê Văn Cựu, Giám đốc Sở KH-CN Phú Yên, những năm vừa qua, sở đã ưu tiên bố trí sắp xếp nhân lực, đầu tư trang thiết bị và đa dạng các hình thức truyền thông nhằm tạo thêm các kênh thông tin chuyên ngành về lĩnh vực KH-CN, tạo thêm cơ hội để người dân được tiếp cận với các chủ chương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những kiến thức khoa học phục vụ đời sống và sản xuất, qua đó góp phần đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

     Theo đó, ngoài việc cập nhật thông tin liên tục trên website, trên tạp chí, bản tin nội bộ từ năm 2012-2015, thực hiện chủ trương của Bộ KH-CN, Sở KH-CN Phú Yên còn phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên thực hiện dự án truyền thông “Sở hữu trí tuệ và Cuộc sống” nhằm giúp người dân nhận thức được sự cần thiết phải đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ; nhận thức được giá trị tài sản trí tuệ gắn liền với chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường để từ đó bảo vệ tài sản trí tuệ của mình và tôn trọng tài sản trí tuệ của người khác.

     Cùng với đó, Sở KH-CN cũng phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình Phú Yên, Báo Phú Yên, trong việc đưa tin các hoạt động KH-CN diễn ra trên địa bàn tỉnh.

     Từ những nỗ lực trên, hoạt động truyền thông KH-CN đã tiến một bước đáng kể trong việc thu thập, lưu giữ và tổ chức khai thác các nguồn thông tin tư liệu KH-CN một cách hiệu quả; đã tuyên truyền, giới thiệu về công tác quản lý, nghiên cứu khoa học; kết quả thực hiện các dự án, đề tài KH-CN đã được nghiệm thu và triển khai đạt kết quả ở địa phương; thông tin về công nghệ mới, sở hữu công nghiệp, chuyển giao công nghệ; giới thiệu những thành tựu KH-CN mới có khả năng áp dụng vào địa phương, các thông tin phục vụ cho phát triển nông nghiệp – nông dân – nông thôn; phản ánh các chủ trương, chính sách phát triển KH-CN của Đảng và Nhà nước đến với người dân, qua đó đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

     Qua công tác truyền thông, nhân dân cũng như các cấp lãnh đạo, quản lý nhận thức được vai trò của KH-CN có tính chất quyết định đến phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh và hiệu quả của sản phẩm, hàng hóa và của cả nền kinh tế của tỉnh.

     Không chỉ dừng lại ở mức nhận thức, công tác thông tin tuyên truyền về ứng dụng tiến bộ KH-CN vào cuộc sống còn hướng đến việc tạo sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia của toàn xã hội để đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng các tiến bộ KH-CN vào công tác quản lý, sản xuất và đời sống, nhân rộng các hoạt động KH-CN trên cả nước; phát hiện, cổ vũ và lan tỏa những điển hình, nhân tố mới có cách làm sáng tạo trong hoạt động KH-CN.

     Lan tỏa hoạt động KH-CN trong đời sống

     Nhờ nắm bắt những thông tin về các dự án khi áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế cao nên vừa qua, Hội Nông dân thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) do ông Lê Văn Linh làm Chủ tịch Hội phối hợp với Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (Sở KH-CN) tổ chức cho các thành viên của Hội được tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại một số mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu được giới thiệu trên các phương tiện truyền thông, như: mô hình trồng cà gai leo làm dược liệu và mô hình nuôi cá chình, cá trê, cá lóc trong bể xi măng (tại huyện Tuy An); mô hình nuôi thỏ trên đệm lót sinh học (tại TP Tuy Hòa), mô hình trồng dưa lưới tại Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ.

     Chuyến đi thật sự hữu ích, bởi sau khi tham quan, học tập, nhiều hộ đã bắt tay vào thực hiện mô hình nuôi cá nước ngọt trong bể xi măng, nuôi thỏ trên đệm lót sinh học vì nó phù hợp với điều kiện chăn nuôi của địa phương.

     Năm 2014-2015, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên đã trồng thử nghiệm giống chuối cấy mô trên diện tích 9ha tại các huyện Tuy An, Tây Hòa và TP Tuy Hòa. Chuối đưa vào trồng thử nghiệm là giống chuối mốc được trung tâm nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Sau một thời gian trồng, giống chuối nuôi cấy mô cho kết quả rất khả quan, cây ít bệnh, buồng chuối nhiều nải, trái to… góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống kinh tế cho nhiều hộ dân các vùng miền núi của tỉnh.

     Từ thông tin về hiệu quả của việc trồng chuối cấy mô được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, đến nay, số lượng người dân tham gia trồng chuối và diện tích trồng chuối trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên hàng năm.

Là đơn vị đi đầu trong việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để nuôi chim yến đảo thiên nhiên và trong nhà, Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa vừa báo cáo kết quả thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhà nuôi chim yến và quy hoạch vùng, làng nghề nuôi chim yến tại Phú Yên”.

     ThS Nguyễn Trọng Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ cho biết, sau hai năm hoạt động, các nhà yến đều có chim ở lại sinh sống và sinh sản. Số lượng tổ đạt được từ 15-97 tổ/nhà, lượng chim từ 50-300 con/nhà. Dự án được kỳ vọng sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển nguồn tài nguyên yến sào ở Phú Yên, nâng cao chất lượng, sản lượng yến sào Phú Yên và góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.

     Từ thực tiễn cho thấy, những năm qua, thông tin KH-CN thực sự đã trở thành cầu nối giúp đưa các thành quả nghiên cứu khoa học lan tỏa vào đời sống và sản xuất. Thông qua truyền thông KH-CN, người dân được tiếp cận với kiến thức KH-CN tiến bộ, để từ đó có sự điều chỉnh, đổi mới hoặc đột phá trong khâu sản xuất, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

(Theo http://www.baophuyen.com.vn)


The total score of the article is: 0 in 0 Evaluate
Click to rate the article
New document
Poll
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Hoạt động KH&CN