Ngày Tiêu chuẩn thế giới 2019: Tôn vinh các công nghệ nén video mới
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng, Bộ KH&CN về vấn đề này.
– Ông có thể cho biết ý nghĩa của chủ đề Ngày Tiêu chuẩn thế giới năm nay là gì, thưa ông?
– Ông Nguyễn Hoàng Linh: Ngày Tiêu chuẩn thế giới 2019 năm nay đưa ra một thông điệp là: “Tiêu chuẩn video tạo lập một sân khấu toàn cầu” nhằm nhấn mạnh vai trò thầm lặng của tiêu chuẩn video trong việc đưa các sản phẩm video đến gần hơn cho xã hội, cho cộng đồng.
Video là phương tiện biểu đạt hiện đại. Những tiến bộ trong công nghệ đã làm thay đổi thế giới, cách mạng hóa giải trí, kết nối bạn bè và gia đình trên toàn cầu, làm phong phú thêm trải nghiệm truyền thông của con người, cho phép những cải tiến lớn trong chăm sóc y tế và giáo dục.
Sự đổi mới của những thập kỷ gần đây đã thúc đẩy một bước tiến đáng kể về chất lượng video. Video ngày càng trở nên dễ tiếp cận hơn, giúp mọi người trên toàn thế giới chia sẻ câu chuyện của mình bằng những hình ảnh trực quan sống động. Những lợi ích này của video đều được xây dựng dựa trên Tiêu chuẩn quốc tế về cả độ tinh vi và khả năng tiếp cận.
Việc có các tiêu chuẩn được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới có nghĩa là video được mã hóa trên một thiết bị có thể được giải mã bởi một thiết bị khác, bất kể là thiết bị nào đang được sử dụng. Điều này mang lại lợi thế kinh tế quy mô giúp phát triển thị trường, tạo sự tự tin cho các nhà đổi mới đầu tư vào các ứng dụng và dịch vụ video mới.
– Hiện nay Việt Nam đang hội nhập quốc tế rất sâu rộng, vậy đặt ra những thách thức gì trong việc xây dựng bộ tiêu chuẩn Việt Nam, thưa ông?
– Ông Nguyễn Hoàng Linh: Thách thức rất lớn và rất nhiều, đầu tiên làm thế nào để tiêu chuẩn hỗ trợ cho các sản phẩm hàng hóa của chúng ta dễ dàng thâm nhập vào thị trường quốc tế đồng thời các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam có chất lượng năng suất tốt hơn để có thể chủ động cạnh tranh trên chính thị trường trong nước cũng như thúc đẩy xuất khẩu ra ngoài.
Thứ hai bên cạnh việc phổ biến để tổ chức triển khai áp dụng tiêu chuẩn này như thế nào , nếu tiêu chuẩn xây dựng ra mà không được tổ chức triển khai áp dụng thì có thể giá trị rất thấp. Do đó chúng ta có những thách thức làm sao có được hạ tầng chất lượng của Việt Nam để thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn, thúc đẩy việc chứng nhận thừa nhận đưa tiêu chuẩn gần hơn với cộng đồng để nhận biết các sản phẩm hàng hóa này phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và qua đó đem lại lòng tin cho người tiêu dùng trong việc sử dụng các sản phẩm hàng hóa đã được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế.
Chủ đề của Ngày Tiêu chuẩn thế giới năm 2019 là “Tiêu chuẩn video tạo lập một sân khấu toàn cầu”
– Ông đánh giá thế nào trong thời gian qua bộ tiêu chuẩn của Việt Nam đang xây dựng đã tiệm cận được với tiêu chuẩn thế giới ra sao và trong thời gian tới Tổng cục có những kế hoạch cụ thể gì để xây dựng bộ tiêu chuẩn mới phù hợp với điều kiện hiện nay?
– Ông Nguyễn Hoàng Linh: Hiện nay hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam có hơn 11.500 TCVN, hơn 800 quy chuẩn quốc gia, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực là 54% đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển kinh tế – xã hội trong nhiều lĩnh vực. Việc này trong khu vực châu Á cũng như Đông Nam Á thì cũng khẳng định Việt Nam là nước đi đầu trong lĩnh vực thúc đẩy tiêu chuẩn quốc gia và chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó hệ thống đánh giá các sản phẩm chứng nhận giám định công nhận cũng liên tục phát triển và luôn luôn đứng trong top đầu của những nước Đông Nam Á hiện nay.
Trong bối cảnh hiện nay thì rõ ràng chúng ta phải có các bộ tiêu chuẩn để thúc đẩy sản phẩm hàng hóa nâng cao chất lượng hàng hóa Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu. Bên cạnh đó, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì một loạt các công nghệ mới triển khai rất nhanh như IoT, AI, đô thị thông minh,… đặt ra vấn đề là tiêu chuẩn của Việt Nam phải được xây dựng phát triển như thế nào để có thể kịp thời tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế để giúp cho các đô thị thông minh cho các công nghệ tiên tiến trên thế giới được chuyển giao áp dụng mạnh mẽ và nhanh ở Việt Nam hơn. Điều đó cũng đặt ra bài toán cho hơn 1.100 chuyên gia về tiêu chuẩn trong cả nước nghiên cứu chung tay để vừa xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa đồng thời dễ dàng hội nhập với xu thế phát triển thế giới.
Quá trình xây dựng tiêu chuẩn không chỉ là thách thức của Việt Nam mà cũng là thách thức của các nhóm tiêu chuẩn thế giới, quá trình xây dựng tiêu chuẩn là quá trình mà ngoài việc chia sẻ hấp thu các tri thức, các công nghệ của các bên liên quan thì nó phải đạt được sự đồng thuận của các bên liên quan mới ban hành ra được tiêu chuẩn. Do đó để thực hiện đảm bảo được các điều này vừa là có các kiến thức kỹ năng các tri thức tốt nhất trong tiêu chuẩn cũng như được sự đồng thuận thì điều đó không dễ dàng, không chỉ Việt Nam mà trên thế giới hiện nay cũng đang bàn thảo rất nhiều vấn đề này làm thế nào thúc đẩy quá trình xây dựng tiêu chuẩn nhanh hơn và chúng tôi cho rằng đây cũng là vấn đề mà trong thời gian tới Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cùng phối hợp với các bên liên quan để thúc đẩy lựa chọn các nhóm tiêu chuẩn cốt lõi, chủ lực mà cần phải tập trung xây dựng, thứ hai là đẩy nhanh hơn việc gắn kết với cộng đồng doanh nghiệp, gắn kết với trường đại học, viện nghiên cứu để ra được các tiêu chuẩn giá trị.
(Theo http://truyenthongkhoahoc.vn/)