Để doanh nghiệp thực sự có vai trò trung tâm
Nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò của KH&CN trong góp phần giải quyết những bài toán lớn của đất nước trong những năm tới, Bộ KH&CN cần có những chính sách dẫn đường và thúc đẩy quá trình chuyển giao các tri thức mới, các sản phẩm nghiên cứu từ khu vực hàn lâm tới doanh nghiệp.
Báo KH&PT đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt về những trọng tâm chính sách này.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt
Thưa Bộ trưởng, “lấy doanh nghiệp làm trung tâm” là một định hướng chính sách quan trọng, đồng thời cũng đã đặt ra không ít những thách thức cho ngành KH&CN trong thời gian qua. Xin Bộ trưởng chia sẻ về những thuận lợi và thách thức chúng ta đang phải đối diện trong quá trình triển khai định hướng này?
Gần đây, trong tiếp xúc, trao đổi với các doanh nghiệp ở các diễn đàn do Bộ KH&CN cũng như nhiều đơn vị khác tổ chức, tôi nhận thấy một tín hiệu đáng mừng là các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu đặt niềm tin vào KH&CN và coi đó là một trong những giải pháp tiên quyết để họ vươn lên. Mặt khác, chưa bao giờ các doanh nghiệp lại cần đến các giải pháp công nghệ như hiện nay và chưa bao giờ các nhà khoa học lại mong mỏi chuyển giao các sản phẩm nghiên cứu của mình như hiện nay. Tôi nghĩ rằng đây là điểm thuận lợi quan trọng để chúng ta lan tỏa tinh thần “lấy doanh nghiệp làm trung tâm” hay “doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia”.
Trong năm qua, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban ngành liên quan để cùng thiết kế các chính sách thúc đẩy “doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia”. Các chính sách này đều dựa trên Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, trong đó các hoạt động xây dựng hệ thống ĐMST quốc gia cũng như phát triển năng lực các viện, trường đều có một đích đến: tạo ra môi trường thông thoáng để kết quả nghiên cứu của các viện trường có thể chuyển giao cho các doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có thể kết hợp với trường, viện giải quyết vấn đề đổi mới công nghệ của chính mình.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng tái cơ cấu hệ thống các chương trình KH&CN quốc gia để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận và tham gia nhằm tìm giải pháp công nghệ cho chính mình, nâng cao năng lực cho chính mình; quy hoạch mạng lưới các tổ chức KH&CN công lập từ địa phương đến trung ương cũng như các tổ chức KH&CN trong trường đại học… không chỉ để phân bổ các nguồn lực đầu tư ngân sách cho hiệu quả mà còn để doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin, chủ động tiếp cận những nhà nghiên cứu, tổ chức khoa học phù hợp với kế hoạch phát triển của mình... Tôi hy vọng là theo thời gian, các đổi mới chính sách sẽ đem lại những thay đổi lớn cho cả doanh nghiệp và trường, viện.
Sản xuất bút tại Tập đoàn Thiên Long.
Thực tế một, hai năm gần đây, khi đề ra quan điểm lấy doanh nghiệp làm trung tâm, chúng ta cũng chưa lường hết những vấn đề sẽ gặp phải như năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam còn chưa cao; nhiều rào cản trên con đường thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu; sự chưa đồng bộ về các quy định của các thông tư, nghị định liên quan đến việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho R&D… |
Xin Bộ trưởng cho biết cụ thể hơn về tiêu chí và mục tiêu tiến hành tái cơ cấu Chương trình KH&CN quốc gia?
Kế hoạch tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia lần này của Bộ KH&CN không nằm ngoài quan điểm “lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia” cũng như không nằm ngoài bản chất của KH&CN. Nhìn ra thế giới, chúng ta đều thấy là những giải pháp công nghệ, dù ở trong khuôn viên doanh nghiệp hay trong các trường viện, đều gặp nhau ở một điểm, đó là càng hứa hẹn nhiều đột phá thì càng có nhiều rủi ro; giải pháp càng được đóng gói một cách hoàn hảo theo tiêu chuẩn tối ưu về chi phí nguyên liệu đầu vào, quy trình vận hành, nhân công, hiệu quả về sản phẩm, đem lại lợi nhuận kinh tế… thì càng phải được phát triển theo nhiều bước, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Tuy vậy cách thiết kế các Chương trình KH&CN quốc gia trước đây chưa chấp nhận rủi ro cũng như chưa cho phép đầu tư dài hơi. Do đó, khi tiến hành tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia lần này, Bộ KH&CN đã thiết kế các đề tài, nhiệm vụ hướng đến việc làm ra các công nghệ mới, các giải pháp mới, có thể thực hiện trong khoảng thời gian 10 năm thay vì 5 năm như trước; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN trên tinh thần chấp nhận rủi ro; bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện cho khoán sản phẩm và hậu kiểm, gắn kết chặt chẽ với thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và sản phẩm đầu ra…
Cũng ở lần tái cơ cấu này, Bộ KH&CN đã cùng với các bộ, ngành liên quan bàn bạc tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ xét duyệt đề tài, thủ tục thanh quyết toán cũng như vấn đề về xử lý tài sản hình thành từ đề tài do ngân sách nhà nước tài trợ để chuyển giao hoặc hoàn trả lại cho nhà nước. Trước mắt, Bộ KH&CN đã thay thế một loạt các thông tư để dỡ bỏ các quy định phức tạp trước đây.
Tuy nhiên, chúng ta đều biết là chính sách này vẫn còn liên quan đến một số quy định trong các thông tư, nghị định khác của Chính phủ và một số luật nên việc sửa đổi cho đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật cần đến rất nhiều nỗ lực nữa. Đơn cử như Nghị định 70/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước liên quan đến Luật Quản lý sử dụng tài sản công. Chúng tôi hy vọng là trong thời gian tới, tất cả các vướng mắc sẽ được khơi thông để làn sóng công nghệ và đổi mới sáng tạo từ trường, viện đến được với doanh nghiệp và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào công nghệ.
Cán bộ Phòng thí nghiệm Công nghệ Sinh học - ĐH Đà Nẵng.
Song song với quá trình tái cơ cấu Chương trình KH&CN quốc gia trên tinh thần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, chúng ta đã có những chính sách quan trọng nào thúc đẩy các doanh nghiệp tự đầu tư vào R&D?
Để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao sức cạnh tranh, Bộ KH&CN đã ban hành chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trích lập Quỹ KH&CN từ nguồn thu nhập trước thuế. Tuy nhiên, khi thiết kế các chính sách này, chúng ta vẫn dựa trên quan điểm coi doanh nghiệp như các tổ chức KH&CN công lập ở trường viện và cách tiếp cận vẫn coi các vấn đề đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp như các nhiệm vụ KH&CN của các tổ chức KH&CN công lập. Đây là một trong những lý do quan trọng khiến cho việc áp dụng chính sách trên thực tế gặp rất nhiều vướng mắc khiến chính sách này chưa đạt được như kỳ vọng như số lượng doanh nghiệp trích lập Quỹ KH&CN tại doanh nghiệp còn chưa nhiều. Việc sử dụng quỹ KH&CN tại doanh nghiệp cũng gặp nhiều vướng mắc, chưa phù hợp với nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp,...
Để giải quyết tồn tại này, mới đây, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư 05/2022/TT-BKHCN hướng dẫn sử dụng Quỹ KH&CN của doanh nghiệp, trong đó đem lại các điều kiện sử dụng quỹ thông thoáng và tự chủ hơn cho doanh nghiệp. Nếu đọc kỹ thông tư này, chúng ta có thể thấy có ghi rất rõ các quy định về hình thức chi cho nhiệm vụ KH&CN của doanh nghiệp với phạm vi mở rộng từ trang bị cơ sở vật chất và kĩ thuật cho hoạt động KH&CN, mua quyền sử dụng, quyền sở hữu công nghệ, thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức KH&CN, chi đào tạo nhân lực KH&CN... Cơ hội để các doanh nghiệp mời nhà khoa học ở các trường, viện tới giải quyết vấn đề của doanh nghiệp do đó cũng đã rất rõ ràng. Với việc trao quyền tự chủ sử dụng quỹ theo đúng nhu cầu đổi mới của chính mình, doanh nghiệp có cả không gian lớn để sử dụng kinh phí theo đúng mục đích của mình.
Chúng ta đã thấy rõ cơ hội này, do mới được ban hành từ tháng 5/2022, thời gian chưa đủ để kiểm chứng tác động của thông tư mới trong thực tiễn. Tuy nhiên qua phản ánh của một số doanh nghiệp thì nội dung sửa đổi đã phần nào khắc phục được những vướng mắc, tạo thuận lợi hơn trong việc trích lập và sử dụng quỹ.
Các sản phẩm công nghệ là kết quả của những đề tài từ các chương trình KH&CN quốc gia cũng là một nguồn tài nguyên và tài sản trí tuệ quan trọng. Vậy chúng ta có chính sách nào để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác nguồn tài sản trí tuệ này một cách hiệu quả?
Để giúp doanh nghiệp tiếp cận được với những công nghệ mới đồng thời tạo thuận lợi cho quá trình chuyển giao công nghệ từ viện, trường vào doanh nghiệp thì cách làm hiệu quả nhất là chúng ta tạo điều kiện mở các tài sản trí tuệ được hình thành từ đề tài nghiên cứu do ngân sách nhà nước tài trợ. Quy định về quyền đăng ký tại Luật Sở hữu trí tuệ trước đây chưa thực sự khuyến khích việc tạo ra, khai thác, phổ biến các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí do nhà nước đầu tư do quy định quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư thuộc về Nhà nước. Quy định này chưa đáp ứng được định hướng nêu tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI số 20-NQ/TW năm 2012 đề ra đó là “giao quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nhiệm vụ KH&CN”. Và theo đó việc khối tư nhân muốn nhận chuyển giao, khai thác, thương mại hóa các tài sản trí tuệ này cũng trở nên khó khăn.
Trong năm vừa qua, Bộ KH&CN đã sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay về mặt pháp lý và thực tiễn. Khi hoạt động chuyển giao công nghệ thương mại hóa sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí càng phát triển, các doanh nghiệp càng có điều kiện nâng cao năng lực, áp dụng các công nghệ mới và tạo ra những sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường. Khi đó có một hệ quả kép là mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước qua thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như các lợi ích về kinh tế, xã hội khác là thúc đẩy phát triển các lĩnh vực ngành nghệ, tạo ra công ăn việc làm... cho người lao động. Chính sự phát triển này sẽ quay trở lại thúc đẩy sự phát triển về KH&CN ở các trường đại học, viện nghiên cứu. Khi đó, các nhóm nghiên cứu mạnh, các trung tâm phát triển công nghệ thực sự là một thành phần quan trọng đóng góp vào hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và sẽ nhận được nhiều nguồn đầu tư hơn, không chỉ từ ngân sách nhà nước như trước.
Mặc dù vậy, việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sáng chế hình thành từ ngân sách nhà nước còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện, quy định khác như các quy định về đầu tư công, ngân sách nhà nước, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, đơn vị hành chính, tổ chức sự nghiệp công lập, trách nhiệm pháp lý khi triển khai cũng như các yếu tố của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước, chất lượng các nghiên cứu, sáng chế, khả năng tiếp tục phát triển cũng như hấp thụ công nghệ…
Nhìn vào thực tế chúng ta thấy rằng khu vực doanh nghiệp tư nhân đã bắt đầu có những điểm sáng. Một số tập đoàn và doanh nghiệp đã bắt đầu dành nguồn đầu tư đáng kể cho R&D, trong đó có đầu tư dài hạn cho khoa học cơ bản. Một số nghiên cứu cơ bản đã được họ đầu tư đủ lâu và đủ sâu để trở thành những ứng dụng công nghệ hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh, thậm chí tạo cơ sở hình thành các công ty khởi nguồn (spin off). Đó là cơ sở cho chúng ta tin tưởng rằng khi những chính sách mới thực sự hữu ích được triển khai thì các doanh nghiệp với bản lĩnh và sự nhạy bén của mình sẽ có nhiều đầu tư đáng kể hơn nữa cho nguồn lực KH&CN và phát huy ngày càng hiệu quả nguồn lực này phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sáng chế hình thành từ ngân sách nhà nước còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện, quy định khác như các quy định về đầu tư công, ngân sách nhà nước, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, đơn vị hành chính, tổ chức sự nghiệp công lập, trách nhiệm pháp lý khi triển khai cũng như các yếu tố của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước, chất lượng các nghiên cứu, sáng chế, khả năng tiếp tục phát triển cũng như hấp thụ công nghệ… |