Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuyển đổi số: Mức độ sẵn sàng chưa cao
Việt Nam đã chứng kiến những cải thiện về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhưng hệ sinh thái vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa vì các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn đang lúng túng trong tiến trình này.
Chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp tăng trưởng nhanh hơn. Ảnh: Ist
Chuyển đổi số đã trở thành một từ thông dụng trong giới kinh doanh khi nhiều công ty cố gắng áp dụng công nghệ và kỹ năng mới để duy trì tính cạnh tranh. Trên thực tế, nhờ có đại dịch COVID-19 mà những đổi mới kỹ thuật số lẽ ra sẽ diễn ra trong vòng 10-15 năm tới đã bị nén lại trong hai năm qua.
Những doanh nghiệp nhạy bén đã gia tăng khoảng cách với những doanh nghiệp chưa hoặc chậm trễ trong quá trình chuyển đổi số. Khảo sát của Accenture trên toàn cầu cho thấy mức chênh lệch về tốc độ tăng trưởng doanh thu của hai nhóm dẫn đầu và tụt hậu đã tăng từ gấp hai lần năm 2019 lên gấp năm lần vào năm 2021.
Ở Việt Nam, mức độ sẵn sàng kinh tế cho chuyển đổi số của quốc gia đã tăng sáu bậc từ 37 lên 43 điểm, với những cải tiến về mức độ nắm bắt kỹ thuật số, mở rộng công nghiệp 4.0 và chuyển giao kiến thức kỹ thuật số. Tuy nhiên, điểm số về tạo sự thuận lợi số cho thương mại đã giảm 8%, theo báo cáo ASIA House Annual Outlook 2023.
Ở góc độ cụ thể hơn, mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số có thể có sự khác nhau giữa các ngành nghề, khía cạnh và quy mô doanh nghiệp. Để hiểu rõ điều này, cuối năm ngoái Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã cung cấp một bộ công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cho doanh nghiệp (trên cổng thông tin https://digital.business.gov.vn/) để họ soi chiếu.
Các chỉ số được đánh giá theo thang điểm từ 1-5, đo lường bảy hoạt động trọng tâm của doanh nghiệp, bao gồm: xây dựng định hướng chiến lược về chuyển đổi số, chuẩn bị con người và nhân lực, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động bán hàng và trải nghiệm khách hàng, ứng dụng công nghệ số vào nghiệp vụ kế toán-hành chính, số hóa chuỗi cung ứng, thiết lập hệ thống công nghệ thông tin & quản trị dữ liệu, và quản trị rủi ro & an ninh mạng. Đã có hơn 1000 doanh nghiệp tham gia khảo sát.
Kết quả cho thấy, đa số doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức giữa giai đoạn phát triển (2 điểm) và ngày càng tiệm cận mức nâng cao về chuyển đổi số (3 điểm). Nghĩa là họ đã bắt đầu số hóa và tích hợp chuyển đổi số vào hoạt động của tổ chức, nhưng việc quản lý thực hiện vẫn còn gặp thách thức và phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình mở rộng quy mô hoặc triển khai ở các bộ phận. Vẫn còn bước tiến dài trước khi các doanh nghiệp Việt Nam đạt đến mức độ chuyển đổi số cao hơn, tại đó họ có thể thay đổi mô hình kinh doanh và tận dụng dữ liệu để ra các quyết định có ý nghĩa hiệu quả cho doanh nghiệp.
Báo cáo nhận xét, so với năm 2021 khi nhiều doanh nghiệp đang ở bước học tập, tìm hiểu và tham khảo thông tin, chuẩn bị cho việc triển khai chuyển đổi số, thì năm 2022, số doanh nghiệp đang tiến hành chuyển đổi số và số lượng doanh nghiệp dành ngân sách cụ thể cho hoạt động này đã tăng lên.
Có tới 80% số doanh nghiệp đã dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số, mặc dù một nửa trong số đó nhấn mạnh rằng số tiền mà họ dành ra “hầu như không đủ để đáp ứng đủ nhu cầu thực tế”.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi việc chuyển đổi số được các doanh nghiệp ưu tiên những hoạt động tác động trực tiếp tới doanh thu như phát triển kênh phân phối, tiếp thị, bán hàng và chăm sóc khách hàng. Ngoài hai hình thức truyền thống là bán hàng trực tiếp tại cửa hàng và bán hàng qua điện thoại thì bán hàng qua mạng đã trở nên phổ biến hơn trong năm qua do có sự tham gia đắc lực của nhiều nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội.
Các startup công nghệ đa quốc gia như Grab, Shopee, Lazada… đã triển khai một loạt chương trình hỗ trợ nhằm đưa hàng trăm nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ lên các ‘gian hàng số’ với chi phí gần như bằng 0 và thời gian chưa đầy 15 phút. Khi việc số hóa trở nên cực kì đơn giản, thuận tiện và tạo ra doanh thu, không có gì khó hiểu khi các doanh nghiệp tích cực chuyển đổi.
Các công nghệ số cũng được áp dụng tương đối phổ biến trong một số nghiệp vụ như quản lý hàng tồn kho, dây chuyền sản xuất, quản lý mua hàng. Ngược lại, những hoạt động ‘phòng thủ’ cần thời gian và chuyên môn đặc thù như quản trị dữ liệu, hệ thống công nghệ thông tin và kiểm soát rủi ro là những lĩnh vực ít được quan tâm nhất. Không nhiều doanh nghiệp thực sự hiểu về chúng, và do vậy họ cũng không sẵn sàng can thiệp vào các khía cạnh này.
Vẫn cần sự hỗ trợ
Chuyển đổi số là một quá trình dài và khó khăn, do vậy vẫn có không ít doanh nghiệp bị tụt lại phía sau. Họ chủ yếu là những doanh nghiệp quy mô nhỏ và trong quá trình triển khai cảm thấy lúng túng vì không xác định được rõ mục tiêu, kế hoạch và chiến lược thực hiện ngay từ đầu. Kết quả là, những hoạt động chuyển đổi số của họ đều mang màu sắc cục bộ và rời rạc, thậm chí là thất bại.
Có tới gần 50% doanh nghiệp nói rằng họ đã từng sử dụng một số giải pháp chuyển đổi số nhưng hiện không còn dùng nữa do nhận thấy giải pháp chưa phù hợp, hoặc nó chỉ phục vụ những nhu cầu tức thời trong COVID-19 và giờ không còn nữa.
Phần lớn các doanh nghiệp khi được hỏi cho biết họ cần sự đồng hành, thậm chí là “cầm tay chỉ việc”, ở hầu hết các giai đoạn của chuyển đổi số - từ lập chiến lược, xây dựng quy trình, tìm kiếm các giải pháp và triển khai. Một trong các nguyên nhân lý giải cho điều này là sự hạn chế về nguồn nhân lực nội bộ chuyên trách để triển khai chuyển đổi số. Đa số doanh nghiệp chỉ có từ 1-3 người để lo liệu những vấn đề phức tạp trên.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, chính phủ đã đưa ra nhiều sáng kiến thúc đẩy áp dụng công nghệ số. Năm 2022, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã nhắm tới hỗ trợ 100.000 doanh nghiệp bằng cách cung cấp các tài liệu hướng dẫn, khóa đào tạo và chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số.
Trước đó, Bộ Thông tin & Truyền thông cũng đưa ra một chương trình chuyển đổi số mang tên SMEdx để giới thiệu hơn 30 nền tảng số Make in Vietnam đáng tin cậy để các doanh nghiệp có thể sử dụng nhằm tối ưu hoạt động trong mọi lĩnh vực. Theo báo cáo, chương trình này đã tiếp cận được hơn 30.000 doanh nghiệp trong năm 2022.