A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng Khung Chương trình KH&CN cấp quốc gia về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030

Chương trình hướng tới xây dựng các mô hình phát triển bền vững dựa trên văn hóa và tri thức cộng đồng, phát triển nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường vùng dân tộc thiểu số (DTTS).

Ngày 24/10/2024 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội thảo khoa học xây dựng và hoàn thiện Khung Chương trình KH&CN cấp quốc gia “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về DTTS và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030 (giai đoạn II)” (Khung Chương trình).

Hướng tới phát triển bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

Khung Chương trình với mục tiêu cung cấp luận cứ khoa học để tiếp tục giải quyết những vấn đề cơ bản, cấp bách và đề xuất bổ sung, hoàn thiện hệ thống quan điểm, chủ trương, đường lối, pháp luật về DTTS, công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong tình hình mới; nghiên cứu xây dựng các mô hình phát triển dựa trên nền tảng văn hóa, tri thức cộng đồng của các DTTS và đặc thù địa phương nhằm phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Nội dung Khung Chương trình định hướng tập trung nghiên cứu bổ sung cơ sở lý luận và thực tiễn các vấn đề cơ bản và cấp bách về DTTS, công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong giai đoạn mới; đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết, một số chương trình, chính sách dân tộc, Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030; nghiên cứu xây dựng, thực hiện thí điểm các mô hình phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS; đề xuất bổ sung, hoàn thiện hệ thống quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030, tầm nhìn 2045; xây dựng, chuẩn hoá Khung dữ liệu về các DTTS Việt Nam; thu thập, cập nhật, bổ sung hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về các DTTS và công tác dân tộc; nghiên cứu, đề xuất Bộ từ điển một số DTTS.

Sản phẩm của Khung Chương trình hướng tới là hệ thống các luận cứ khoa học và hệ thống lý luận về những vấn đề cơ bản, thực tiễn cấp bách liên quan đến DTTS, công tác dân tộc và chính sách dân tộc; hệ thống các kiến nghị đối với Đảng và Nhà nước về các quan điểm, chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến DTTS và công tác dân tộc; các biện pháp, giải pháp tổ chức thực hiện khả thi, hiệu quả hệ thống chính sách dân tộc, Chiến lược công tác dân tộc, Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) vùng đồng bào DTTS và miền núi đến năm 2030 và giai đoạn tiếp theo; hệ thống dữ liệu về các chính sách dân tộc; hệ thống các luận cứ, giải pháp KH&CN góp phần phát triển văn hóa, KTXH vùng đồng bào DTTS đến năm 2045; sản phẩm về sở hữu trí tuệ cũng như các công trình nghiên cứu khoa học…

Chủ trì Hội thảo, Ông Trần Quốc Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Bộ KH&CN cho biết, Bộ KH&CN cùng Ban Chủ nhiệm Chương trình mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các nhà khoa học về việc điều chỉnh dự thảo mục tiêu, nội dung, dự kiến sản phẩm của Chương trình, góp phần thực hiện hiệu quả Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.


Ông Trần Quốc Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên phát biểu tại Hội thảo.

Nhiều vấn đề cấp bách cần có chính sách cụ thể để giải quyết

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà quản lý đã thảo luận, đóng góp nhiều nội dung quan trọng vào bố cục, nội dung, mục tiêu... để củng cố thêm các căn cứ cho việc hoàn thiện xây dựng Khung Chương trình.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Hoàng Xuân Lương, Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh, Chương trình cần tập trung ưu tiên nguồn lực cho khoa học ứng dụng. Đối với các nghiên cứu cơ bản cần phải cụ thể hơn, tập trung vào mối quan hệ đồng bào DTTS và chính quyền các cấp. Đồng thời cần thống nhất và đồng bộ 66 bộ luật và 276 điều liên quan tới DTTS hiện còn chồng chéo, nghiên cứu thống nhất bộ tiêu chí phân định vùng dân tộc miền núi.

TS Hoàng Xuân Lương cũng cho biết, công tác quản lý và phát triển đối với các DTTS cần sự phối hợp giữa chính quyền và cộng đồng địa phương, chú trọng vào việc đào tạo và sử dụng cán bộ người DTTS. Chính sách hỗ trợ phát triển cần phù hợp với từng vùng và từng dân tộc. Phát triển KTXH và nâng cao đời sống cho người DTTS là ưu tiên, cùng với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thông qua các hoạt động giao lưu và trao đổi văn hóa.

Theo GS.TS. Trần Trung, Giám đốc Học viện Dân tộc, cần đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết, chương trình, chính sách về công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030. Nghiên cứu và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng như xã hội, văn hóa, tôn giáo từ đó đưa ra luận cứ khoa học để xây dựng những chương trình, nghị quyết giai đoạn tiếp theo. GS.TS. Trần Trung nhấn mạnh, phải đẩy mạnh công tác triển khai chuyển giao ứng dụng thành quả từ các chương trình KH&CN có liên quan tới đồng bào DTTS.

PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam kỳ vọng, giai đoạn II sẽ tập trung vào nghiên cứu những vấn đề thực tiễn, mang lại hiệu quả cao. Để làm được, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học, các cơ quan quản lý và người dân để đảm bảo tính hiệu quả và thiết thực của các đề tài nghiên cứu.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS. Phạm Văn Dương,  Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, việc đánh giá hiệu quả của các chương trình hiện tại cần có sự tham gia của các chuyên gia và cơ sở nghiên cứu địa phương. Xây dựng các chỉ số phát triển con người cho các DTTS và thiết lập cơ sở dữ liệu khoa học quốc gia để hỗ trợ nghiên cứu và hoạch định chính sách bền vững. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc xác định các mục tiêu ưu tiên trong giai đoạn II, bao gồm phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và bảo tồn văn hóa, đồng thời điều chỉnh mục tiêu sao cho phù hợp với thực tiễn mà không gây tổn hại môi trường và văn hóa của các DTTS.

GS.TS. Nguyễn Văn Chính, Khoa Nhân học, Trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội, chỉ ra trong 50 đề tài đã làm trong giai đoạn I, mới tập trung vào vấn đề xoá đói giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị, trật tự ở vùng DTTS và chỉ có một đề tài về biến đổi văn hoá ở vùng DTTS. Ngoài ra, các đề tài nghiên cứu chủ yếu tập trung vào các nhóm dân tộc cụ thể như người Hoa, người Thái, người Mông... mà chưa có cái nhìn tổng thể về sự giao thoa và hội nhập văn hóa. Ông cho rằng, trong giai II của Chương trình, cần nhìn nhận văn hoá như một nguồn nội lực phát triển bền vững của các dân tộc, biến văn hoá trở thành hàng hoá.

Các nhà quản lý, nhà khoa học đồng tình với các vấn đề được đề cập trong Dự thảo Chương trình, đồng thời cho rằng kế thừa những thành tựu từ các nghiên cứu trong giai đoạn I là cần thiết nhưng cũng phải liên tục cập nhật dựa trên tình hình thực tiễn tại Việt Nam để đáp ứng các yêu cầu mới trong vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc. Nhiều ý kiến, đóng góp đi vào cụ thể từng vấn đề như cần bổ sung và đưa vào dự thảo vấn đề di dân, biến đổi cơ cấu dân số và vấn đề về tôn giáo của vùng DTTS. Công tác nghiên cứu liên ngành cần được đẩy mạnh nhằm làm rõ tác động của các yếu tố mới như kinh tế số và biến đổi khí hậu đối với đời sống và sinh kế của người DTTS. Những nghiên cứu này sẽ đặt nền móng cho việc xây dựng các chính sách bền vững, đáp ứng tốt hơn với các thách thức hiện tại và tương lai.


Các nhà quản lý, nhà khoa học đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện ban Chủ nhiệm Chương trình, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà nhấn mạnh: Với sự am hiểu sâu sắc về lĩnh vực dân tộc và công tác dân tộc, các nhà quản lý, các nhà khoa học đầu ngành, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ngành đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến từng nhóm vấn đề; góp ý cụ thể vào việc hoàn thiện cấu trúc Khung Chương trình, mục tiêu Chương trình cũng như các nội dung cụ thể; nhiều ý kiến mang tính gợi mở, phân tích, làm rõ thêm những vấn đề cơ bản và cấp bách về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc trong bối cảnh hiện nay cũng như những vấn đề liên quan đến xu hướng biến đổi trong thời gian sắp tới… Ban Chủ nhiệm Chương trình tiếp thu các ý kiến và sẽ tổng hợp để bổ sung hoàn thiện.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà ghi nhận và bày tỏ vui mừng khi Chương trình KH&CN cấp quốc gia về lĩnh vực dân tộc và công tác dân tộc đã nhận được sự quan tâm, tham gia của rất nhiều các nhà khoa học, các nhà quản lý ở các lĩnh vực. Đồng thời tin tưởng, trong thời gian tới, lĩnh vực này sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa từ các nhà khoa học để Khung Chương trình có thể sớm được hoàn thiện.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc  Nông Thị Hà phát biểu tại Hội thảo.

Liên quan đến các nội dung của Hội thảo, Bộ KH&CN cùng Ban chủ nhiệm Chương trình tiếp thu các ý kiến đóng góp đối với nhóm vấn đề về giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong thời gian sắp tới, đặc biệt là đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học về dân tộc và ứng dụng các sản phẩm khoa học vào trong quá trình thực hiện công tác dân tộc, vào vùng dân tộc trong thời gian sắp tới đạt kết quả cao.


Nguồn:Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Hoạt động KH&CN