A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Nhằm góp phần tăng năng suất và chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp, các sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Bộ phận một cửa xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: PHẠM THÙY

Từ đầu năm đến nay, tỉ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) đúng hạn cả tỉnh vẫn duy trì ở mức trên 97%. Kết quả thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) chuyển biến, nhiều nội dung, chỉ tiêu cải thiện đáng kể.

Chuyển biến tích cực

Xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên góp phần nâng cao hiệu lực, liệu quả các mặt công tác công an, xây dựng lực lượng Công an Phú Yên kiến tạo, vì Nhân dân phục vụ, thời gian qua, công an các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã chủ động đề ra các biện pháp, giải pháp triển khai, hoàn thành bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung nhiệm vụ CCHC, kiểm soát TTHC theo chỉ tiêu Bộ Công an, UBND tỉnh giao.

Theo đại tá Nguyễn Thái Hoàng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, đơn vị đã công bố, niêm yết công khai, đầy đủ, kịp thời 173 TTHC và 122 DVCTT thuộc thẩm quyền giải quyết trên Trang thông tin điện tử Công an tỉnh và trên DVCTT của tỉnh để người dân, tổ chức thuận lợi trong thực hiện TTHC khi có nhu cầu. Một số lĩnh vực DVCTT đạt tỉ lệ 100% như: phòng cháy chữa cháy, quản lý cư trú, đăng ký xe…

Đặc biệt, mô hình CCHC tại công an xã, phường, thị trấn với 10 tiêu chí thực hiện giúp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Tây Hòa là một trong những địa phương chú trọng xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Trần Minh Trí cho biết, công tác CCHC của Tây Hòa đã có những chuyển biến tích cực.

Cụ thể, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên rõ rệt, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ đề ra; tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn được sắp xếp theo đúng quy định. Đặc biệt, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước được chú trọng. Theo đó, TTHC được đơn giản hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước.

Phó Giám đốc Sở TT&TT Lê Tỷ Khánh cho hay: Đến nay, ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước đã được triển khai đến 100% đơn vị cấp xã, từng bước đáp ứng tốt công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, chuyên môn nghiệp vụ, CCHC, đảm bảo liên thông văn bản điện tử 4 cấp.

Cổng DVCTT liên thông đã triển khai đến cấp xã trong giải quyết TTHC, rút ngắn thời gian xử lý, tăng tính minh bạch; đồng thời cung cấp DVCTT toàn trình và một phần phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đáng chú ý là phần mềm Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã được triển khai đảm bảo liên thông 4 cấp chính quyền qua Trục liên thông văn bản tỉnh.

UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn Phú Yên. Đến nay, toàn tỉnh có 490 tổ công nghệ số cộng đồng, với 3.033 thành viên để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số thiết yếu.

Đội ứng cứu sự cố hỗ trợ kỹ thuật 24/7 diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh, đảm bảo phản ứng kịp thời trong việc phát hiện, phân tích và gỡ bỏ phần mềm độc hại.

 

Đồng bộ các giải pháp

Theo Sở Nội vụ, thời gian qua, nhiều nội dung CCHC được cải thiện rõ rệt nhưng so với yêu cầu Chính phủ giao năm 2024, một số nhiệm vụ còn chậm, một số chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu, việc triển khai thực tế, đặc biệt là cung cấp DVCTT ở một số nội dung còn nhiều bất cập.

Hiện nay, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh phiên bản mới vẫn còn nhiều bất cập như: chưa thống nhất số liệu, kết quả giải quyết hồ sơ TTHC lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TN&MT với UBND cấp huyện; giữa các cổng DVC quốc gia, DVC tỉnh, hệ thống thông tin báo cáo chưa có sự đồng bộ, thống nhất số liệu dẫn đến khó khăn trong công tác theo dõi chỉ đạo và triển khai thực hiện của cơ quan, đơn vị.

Tính đến hết tháng 9/2024, nhiều chỉ tiêu cải cách TTHC Chính phủ giao năm 2024 nhưng tỉnh chưa đạt yêu cầu. Cụ thể, tỉ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử 69,03% (yêu cầu 100%); tỉ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin dữ liệu số hóa 18,01% (yêu cầu tối thiểu 50%); tỉ lệ số hóa kết quả giải quyết TTHC 67,14% (yêu cầu tối thiểu 80%)...

Để đạt những yêu cầu đặt ra trong năm 2024, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bùi Trọng Lân cho rằng các cơ quan, đơn vị cần khẩn trương, tăng tốc hoàn thành 100% nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao về nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động của cơ quan, đơn vị mình gắn với thực hiện kế hoạch CCHC năm 2024 của tỉnh; các kết luận hằng tháng của Trưởng ban chỉ đạo CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh và các văn bản khác có liên quan đến các lĩnh vực công tác CCHC.

Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức về cách thức, lợi ích của DVCTT trong giải quyết TTHC; nghiêm túc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao tỉ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận, xử lý trực tuyến toàn trình, một phần.

Đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thủ trưởng các sở, ban ngành; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thúc đẩy cải cách TTHC, nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong đó tập trung đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa TTHC; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc nâng cao chất lượng phục vụ, minh bạch trong thực hiện TTHC, cung cấp DVC cho người dân, doanh nghiệp.

100% hồ sơ TTHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh và phải được liên thông, đồng bộ với Cổng DVC quốc gia để người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương tiếp tục theo dõi, phối hợp với bộ, ngành trung ương triển khai các nhóm DVCTT liên thông, ưu tiên rà soát tái cấu trúc quy trình tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC quốc gia theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm nguyên tắc lấy người dùng là trung tâm. Tiếp tục đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, gắn việc số hóa với thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC.

Đẩy mạnh tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa giữa các bộ, ngành, địa phương thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu. Kịp thời rà soát, nâng cấp các trang thiết bị đầu cuối tại bộ phận một cửa các cấp đáp ứng yêu cầu số hóa, tái sử dụng dữ liệu theo quy định. Đồng thời thực hiện nghiêm túc việc đánh giá công tác giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, kịp thời chấn chỉnh triệt để những hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cung cấp DVC cho người dân, doanh nghiệp. 

 

Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục chủ động tham khảo, nghiên cứu áp dụng các mô hình, sáng kiến cách làm hay trong CCHC với tinh thần hiệu quả, đồng bộ và phù hợp với tình hình thực tế; thường xuyên, chủ động theo dõi, rà soát các TTHC công bố trên cổng của bộ, ngành chủ quản để kịp thời tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh công bố, công khai TTHC, danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị theo đúng quy định; nghiêm túc thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và công khai quy trình giải quyết trên cổng DVC.

 Đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

 

PHẠM THÙY


Nguồn:Báo Phú yên Online Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Hoạt động KH&CN