A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những thay đổi chính sách KH&CN lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Từ những năm gần đây đã bắt đầu hình thành chủ trương lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong hoạt động KH&CN. Nhưng phải tới năm 2022, chủ trương đó thực sự hình thành rõ nét, qua những thay đổi có tính tổng thể về chính sách, giải pháp KH&CN, nhằm nâng cao hiệu quả đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Nỗ lực có tính tổng thể

 

Làm thế nào để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp, trong đó cốt lõi là ứng dụng được các thành quả khoa học công nghệ mới, luôn là điều được Bộ KH&CN quan tâm. Đây không chỉ là trọng tâm được phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh nhiều lần trong các kỳ họp Tổng kết của Bộ KH&CN, được Bộ KH&CN đề cập tới 83 lần trong báo cáo tại Hội nghị Tổng kết hoạt động KH&CN và Đổi mới sáng tạo năm 2022 ngày 28/12, mà là chủ đề xuyên suốt được đặt ra trong hầu hết các kỳ họp cấp Bộ cho tới họp triển khai nhiệm vụ trong năm với giám đốc sở KH&CN 63 tỉnh thành, cho đến các hội nghị KH&CN của từng vùng. Nhằm đưa KH&CN trở thành động lực cho phát triển kinh tế xã hội, mối quan tâm lớn là làm sao thúc đẩy được R&D trong khối doanh nghiệp, kết nối được khối doanh nghiệp với khu vực nghiên cứu hàn lâm, và các chương trình nghiên cứu, chính sách hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu trong viện trường nhắm tới việc đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Quan điểm này mang tính lâu dài, với cam kết rõ ràng được đưa ra kể từ Hội nghị giám đốc sở KH&CN cả nước từ cách đây 5 năm, coi “doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo”, “ngành KH&CN phải xác định cụ thể các phương thức thúc đẩy tương tác giữa doanh nghiệp với viện, trường và các cấu phần khác của hệ sinh thái. Trong đó, điều quan trọng là hệ sinh thái phải kéo được các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

 

Thay đổi chính sách như thế nào để khắc phục được một hiện trạng “mức độ đóng góp tham gia của các viện, trường trong việc cung ứng các sản phẩm có chất lượng cho thị trường công nghệ Việt Nam còn thấp, chủ yếu vẫn nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc”, như thảo luận chính mà Hội thảo đánh giá Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020, một chương trình đặt ra nhằm phục vụ doanh nghiệp, đã từng đặt ra? Phân tích thực trạng chi tiết một số nguồn lực nhập khẩu trên cơ sở bóc tách điều tra khảo sát bộ dữ liệu 17000 doanh nghiệp có yếu tố công nghệ và bộ dữ liệu 63.000 doanh nghiệp (do ĐH Kinh tế Quốc dân thực hiện năm 2020), cho thấy, công nghệ của chúng ta mới ở mức độ trung bình và mức độ tham gia của các chủ thể chính là các viện nghiên cứu, trường đại học ở Việt Nam vào thị trường, khả năng cung ứng cho thị trường rất thấp.

 

Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là ở chỗ, tính sẵn sàng chuyển giao các công nghệ của chúng ta thấp, các chương trình nghiên cứu cả ở tầm quốc gia cũng chưa đủ dài hơi, các công nghệ sau khi được nghiên cứu xong thì mới dừng lại ở quy mô pilot và sản phẩm demo nên chưa hoàn thiện để sẵn sàng đưa ra thị trường. Phần đa doanh nghiệp Việt Nam (95% là SME) lại chưa đủ nguồn lực, chưa có khả năng chấp nhận rủi ro theo đuổi việc nghiên cứu phát triển hoặc phối hợp với các viện, trường trong nước để nối dài các kết quả bước đầu đó. Thành ra, “chỉ có gần 14% doanh nghiệp tìm đến viện trường khi cần đổi mới công nghệ”, theo kết quả Khảo sát Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp thuộc dự án FIRST-NASATI thực hiện năm 2018.

 

Phenikaa lighting, một trong năm spin off mới của Phenikaa.

 

Ở chiều ngược lại, bản thân các doanh nghiệp cũng còn ngại ngần tham gia các chương trình KH&CN dành cho doanh nghiệp, do thủ tục hành chính nhiêu khê và e ngại rắc rối trong xử lý tài sản phát sinh sau dự án. Dù có không ít chương trình, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN, đổi mới sáng tạo như Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia (NATIF), các chương trình ở quy mô quốc gia như Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước… cho đến các nhiệm vụ KH&CN của các địa phương cũng đặt mục tiêu nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận, làm chủ và áp dụng công nghệ mới. Nhưng nhìn chung các doanh nghiệp phản là chưa được tiếp cận với các hình thức hỗ trợ; các hình thức hỗ trợ không liên quan đến nhu cầu của doanh nghiệp; doanh nghiệp không biết đến các đầu mối kết nối với hỗ trợ; quy trình xét duyệt hỗ trợ rất phức tạp, cũng theo kết quả khảo sát của FIRST-NASATI.

 

Trong khi đó, các chính sách liên quan tới hỗ trợ, thúc đẩy sử dụng các kết quả nghiên cứu vào khối doanh nghiệp lại có nhiều ràng buộc theo cách “dẫm chân lên nhau”. Một mặt ngành KH&CN đổ nguồn lực cho các chương trình nghiên cứu định hướng ứng dụng trong sản xuất, nhưng nhiều văn bản luật, dưới luật lại vô hình trung “khóa” lại. Đơn cử trong đó là việc đánh giá, định giá, phân chia tài sản trí tuệ hình thành từ các kết quả nghiên cứu do ngân sách nhà nước tài trợ chịu sự ràng buộc, đòi hỏi xét duyệt, đánh giá rất nhiều bước của Luật Sở hữu trí tuệ trước đây cũng như Nghị định 70/2018/NĐ-CP khiến cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp đều lúng túng và không thể chuyển giao. Nhiều sở KH&CN địa phương đã than thở trong các kỳ họp về việc “Yêu cầu doanh nghiệp lập hồ sơ, giao xử lý nhưng họ không nhận” mà giao bán thì không mua, thanh lý thì rất khó.

 

Hiện trạng như vậy đòi hỏi phải có sự rà soát, bóc tách tổng thể các chính sách. Bởi nếu chỉ sửa đổi lẻ tẻ cuối cùng sẽ lại vẫn khiến các chính sách rơi vào tình trạng dẫm chân nhau, chẳng hạn nếu Chương trình KH&CN quốc gia đầu tư dài hơi “ra tấm ra món” có công nghệ sẵn sàng sản xuất, thì cũng không thể chuyển giao nếu chưa gỡ vướng về phân chia tài sản, định giá công nghệ (theo nghị định 70) hoặc không giao quyền sở hữu tài sản trí tuệ để cơ quan chủ trì đề tài chủ động chuyển giao (theo Luật Sở hữu trí tuệ cũ). Đó là lý do mà năm 2022 trở thành một năm Bộ KH&CN tập trung giải quyết rất nhiều vướng mắc chính sách, ban hành các thông tư nghị định theo hướng giảm thủ tục hành chính, tài chính cho các đơn vị tham gia các Chương trình KH&CN quốc gia, chấp nhận rủi ro và đầu tư dài hơi lên tới 10 năm; nghiên cứu sửa đổi Nghị định 70 về phân chia tài sản hình thành từ ngân sách nhà nước; thông tư hướng dẫn mới về việc mở rộng nội dung chi tiêu, gỡ bỏ vưỡng mắc trong sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp cho đến sửa đổi nhiều nội dung lớn Bộ Luật sở hữu trí tuệ - nổi bật nhất là giao quyền sở hữu tài sản trí tuệ hình thành từ nghiên cứu sử dụng ngân sách cho cơ quan chủ trì.

 

Dù các sửa đổi này còn rất mới, nhưng đã thể hiện sự tập trung cao độ vào việc nghiên cứu, giải quyết những vấn đề rất thiết thực cho doanh nghiệp, cho thấy nỗ lực đồng bộ từ nhiều hướng tiếp cận, chứ không phải là những chính sách đơn lẻ.

 

Những động thái thay đổi về chính sách, khi thực sự hữu ích cho doanh nghiệp thì sẽ không phải mất thời gian quá lâu để tác động tới doanh nghiệp. Về phía các doanh nghiệp, dẫu cho vẫn mong đợi nhiều hơn, như mong muốn “đồng bộ các luật để tránh bị chồng chéo, vướng mắc, có thể tạo ra các điểm nghẽn, gây khó khăn cho các nhà khoa học và các doanh nghiệp nhận chuyển giao, hoặc có một nghị định chuyên dùng cho lĩnh vực thị trường khoa học công nghệ, không bị chi phối bởi các Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Tài sản công…” như bài trình bày của ông Hồ Xuân Năng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phenikaa đã nhấn mạnh tại Hội nghị Tổng kết, thì các doanh nghiệp này vẫn đã nhanh tay chủ động có điều chỉnh nhằm xây dựng mạng lưới khoa học, kết nối với giới hàn lâm ngay. Bởi khu vực doanh nghiệp vốn luôn nhạy bén với các xu hướng mới, không chờ tới lúc đồng bộ, mà ngay khi thấy có sự dịch chuyển chính sách đã chủ động. Điển hình dễ thấy là không chỉ Phenikaa mạnh dạn mở ra năm công ty khởi nguồn (spin off) dựa trên nghiên cứu của các nhà khoa học mà doanh nghiệp lớn mạnh như Vingroup đầu tư cho quỹ KH&CN, thậm chí còn đầu tư vào khoa học cơ bản.

 

Tính sẵn sàng chuyển giao các công nghệ của chúng ta thấp. Các công nghệ sau khi được nghiên cứu xong mới dừng lại ở quy mô pilot và sản phẩm demo nên chưa hoàn thiện.

 

Bản thân các doanh nghiệp còn ngần ngại tham gia các chương trình KH&CN dành cho doanh nghiệp, do thủ tục hành chính nhiêu khê và e ngại rắc rối trong xử lý tài sản phát sinh sau dự án.

 

Tầm nhìn dài hạn về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

 

Những điểm nhấn chính sách của Bộ KH&CN không chỉ dừng lại ở sửa đổi các chính sách tạo thuận lợi nhất cho kết nối doanh nghiệp – viện, trường nhằm thúc đẩy nền sản xuất trong nước, mà còn ở nỗ lực đánh giá môi trường, mức độ đổi mới sáng tạo trong toàn hệ sinh thái của cả nước. Hình dung cả đất nước là một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lấy từng tỉnh thành là các hạt nhân thì sự năng động phát triển của từng địa phương là môi trường thuận lợn cho start up, doanh nghiệp địa phương nhận thấy vai trò của đổi mới sáng tạo, của công nghệ. Tuy vậy, “ở cấp địa phương, qua theo dõi thực tế cho thấy các địa phương còn lúng túng trong việc tham gia thực hiện nghị quyết về cải thiện chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp quốc gia. Một trong những lí do là chỉ số đổi mới sáng tạo đánh giá ở cấp quốc gia nên nhiều số liệu thống kê tương tự ở cấp địa phương là không có, đồng thời phương pháp đánh giá theo quy chuẩn quốc tế còn mới lạ”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết tại buổi tổng kết. Bên cạnh đó, do có sự khác biệt giữa các địa phương về quy mô kinh tế xã hội, về dân số, về đất đai, về cơ cấu kinh tế, về định hướng phát triển... nên các địa phương cần và chọn mô hình phát triển kinh tế xã hội dựa trên KH&CN và đổi mới sáng tạo khác nhau, phù hợp với bối cảnh, điều kiện, đặc điểm riêng có của địa phương mình. Những vấn đề trên làm cho các địa phương không nắm được thực trạng mô hình phát triển kinh tế xã hội dựa trên KH,CN và đổi mới sáng tạo của địa phương mình, do đó nhiều địa phương kiến nghị cần có bộ chỉ số đổi mới sáng tạo dành riêng cho địa phương để căn cứ vào đó có thể chỉ đạo điều hành tốt hơn, sát với thực tiễn hơn.

 

Việc Bộ KH&CN đã xây dựng bộ chỉ số cấp địa phương theo 10 bước như hướng dẫn của OECD cho xây dựng bộ chỉ số tổng hợp, phù hợp với bối cảnh thực tiễn, đặc điểm của các địa phương ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ đánh giá, đo lường được các yếu tố tác động tới mô hình tăng trưởng, từ đó đưa ra các khuyến nghị đổi mới, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động của các địa phương. Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương của Việt Nam có 51 chỉ số, chia làm 7 trụ cột theo nguyên lý của bộ chỉ số đổi mới sáng tạo (5 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội dựa trên KH&CN và đổi mới sáng tạo, bao gồm (1) Thể chế, (2) Nguồn nhân lực và nghiên cứu, (3) Cơ sở hạ tầng, (4) Trình độ phát triển của thị trường và (5) Trình độ phát triển kinh doanh; hai trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của KH&CN và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế xã hội, bao gồm: (6) Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ, (7) Tác động. Trên cơ sở các thông tin chi tiết này, các địa phương có thể nhận diện được các vấn đề cần chú trọng để từ đó có các chỉ đạo, điều hành trong việc xây dựng và thực hiện các biện pháp, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo của địa phương, góp phần nâng cao năng lực kinh doanh, năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo của địa phương và của quốc gia.

 

Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo đã cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn về điểm mạnh, điểm yếu, về các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết, có cơ sở khoa học để các nhà quản lý xác định, lựa chọn các định hướng, giải pháp phù hợp với sự phát triển của các địa phương.

 

Đây chính là tinh thần mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh và giao nhiệm vụ cho Bộ KH&CN tại tổng kết: “Bộ KH&CN phải giữ vai trò điều phối với các bộ, ngành để cải thiện các chỉ số còn thấp để thúc đẩy cả xã hội cùng đổi mới sáng tạo”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý trong xếp hạng đổi mới sáng tạo địa phương, bên cạnh các tiêu chí quốc tế nhưng cần tính đến đặc thù, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế xã hội của từng vùng, miền, nhằm khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo trên cả nước.

 

Phó Thủ tướng đánh giá, những năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã từng bước đổi mới hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm. Tới đây, khi được chính thức giao nhiệm vụ quản lý về đổi mới sáng tạo, Bộ cần nỗ lực hơn nữa vì đây là trách nhiệm rất nặng nề, phức tạp khi có nhiều chỉ số cần phải cải thiện: Môi trường pháp lý; nhân lực; tỉ lệ sinh viên nước ngoài/sinh viên bản địa; hạ tầng môi trường, sinh thái; số bài báo khoa học; xuất khẩu sản phẩm có sở hữu trí tuệ và văn hóa…Cuối cùng, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ khái niệm năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) mang tính dài hạn. Trong đó, để cải thiện năng suất lao động thì phải cơ cấu lại nền kinh tế, lực lượng lao động; tăng cường ứng dụng công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động. “Trước đây, Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ chú ý đến yếu tố công nghệ, tới đây cần nghiên cứu sâu hơn về khoa học quản lý liên quan đến cơ cấu nền kinh tế, lực lượng lao động”. Những nỗ lực nhằm thúc đẩy vai trò của KH&CN, đổi mới sáng tạo mới chính là “dư địa” để tăng trưởng trong thời gian tới.

 

Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, tạo hành lang pháp lý mới cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo cho cả giai đoạn tiếp theo, Bộ KH&CN tiếp tục sửa đổi, bổ sung thêm 4 luật là Luật KH&CN, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Như vậy, đến năm 2025, có 5 trong số 8 luật của ngành KH&CN sẽ được sửa đổi, bổ sung.

 

nguồn: https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/nhung-thay-doi-chinh-sach-khcn-lay-doanh-nghiep-lam-trung-tam/20221230092643575p1c785.htm 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Hoạt động KH&CN