A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khắc phục ‘điểm nghẽn’ giúp tăng năng suất lao động tại Việt Nam

Không thể phủ nhận năng suất lao động của nước ta đang cải thiện tích cực theo từng năm, tuy nhiên xét ở khía cạnh giá trị so sánh với các nước trong khu vực, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp.

Tính đến nay, năng suất lao động của Việt Nam đang được cải thiện theo chiều hướng tăng qua các năm. Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Số liệu thống kê cho thấy, năng suất lao động giai đoạn 2016 - 2020 đạt tốc độ tăng bình quân 5,88%/năm, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) không ngừng được cải thiện (giai đoạn 2011 - 2015, TFP đóng góp khoảng 32,8% vào tăng trưởng kinh tế cả nước, đến giai đoạn 2016 - 2020, con số này đã vượt lên trên 45%).

 

Chất lượng nguồn nhân lực có vai trò quan trọng trong tăng năng suất lao động. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, xét ở khía cạnh giá trị so sánh với các nước trong khu vực, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Điều này đồng nghĩa, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước thời gian tới.

Với mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần duy trì đà tăng trưởng kinh tế ở mức 7% và yếu tố tiên quyết vẫn là duy trì và tăng trưởng về năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, để tăng năng suất lao động của quốc gia, Việt Nam cần khắc phục được hai vấn đề sau:

Thứ nhất, sự dịch chuyển lao động từ ngành có năng suất thấp sang ngành có năng suất cao. Trong các giai đoạn phát triển trước, đóng góp chủ yếu của tăng năng suất lao động của Việt Nam là do dịch chuyển cơ cấu. Lao động dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp có năng suất lao động thấp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ có năng suất lao động cao hơn. Tuy nhiên, đây sẽ không thể là động lực phát triển bền vững của năng suất lao động và thực tế cho thấy vai trò của chuyển dịch cơ cấu trong tăng trưởng năng suất lao động đã giảm dần những năm gần đây.

Thứ hai, tăng trưởng TFP còn thấp dẫn đến hạn chế tốc độ tăng năng suất lao động. Có rất nhiều yếu tố làm TFP tăng trưởng chậm, trong đó quan trọng nhất và đầu tiên vẫn là liên quan tới nguồn nhân lực. Thực tế, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp và ý thức lao động chưa cao, chính vì thế không thể hấp thụ tối đa được chuyển giao khoa học công nghệ, tạo tiền đề cho tăng trưởng năng suất.

Ngay tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định “tài năng, trí tuệ con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.


Nguồn:vietq.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Hoạt động KH&CN